Trong thành tích xuất khẩu chung, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 24,23 tỷ USD, giảm 6,2%, cao hơn mức giảm bình quân chung của cả nước.
Tháng 4 có tới 8 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại, máy vi tính, máy móc, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, thủy sản. Trong đó 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên.
Lũy kế hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 16,5%), đạt 122,48 tỷ USD.
Chiều ngược lại, tháng 4, kim ngạch nhập khẩu đạt 32,47 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng nước ta chi 119,95 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua, Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho biết, kết quả xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm đem lại nhiều tín hiệu tích cực không chỉ cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, tình hình thế giới có nhiều biến động, giá cả nhiều loại nguyên nhiên vật liệu tăng cao… được nhận định sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, theo chuyên gia này, việc tìm ra bước đi, cách quản trị rủi ro là việc cần phải tính tới. Ngoài ra, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, Hợp tác xa, nông dân và các tổ chức Hiệp hội cần phải thắt chặt hơn nữa để cùng nhau vượt qua những thách thức của thị trường.
Bộ Công Thương cho biết, để giữ nhịp tăng trưởng, lãnh đạo bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới
Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,… để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung.