Mới đây, Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 3091/TXNK-CST hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm vật liệu hàn.
Để áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm vật liệu hàn có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa theo Quyết định số 706/QĐ-BCT ngày 15/4/2022 của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 3091/TXNK-CST hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố vấn đề này.
Tổng cục Hải quan cho biết, qua rà soát đối tượng bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời theo quy định tại mục 1 Thông báo ban hành kèm theo Quyết định số 706/QĐ-BCT thì trường hợp sản phẩm dây hàn thép đặc không lõi thuốc được phân loại theo mã HS 7217.10.10 và 7229.90.99 thuộc đối tượng áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời.
Đồng thời, sản phẩm thép cuộn, thép dây được phân loại theo mã HS 7217.10.10 và 7229.90.99 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau thuộc đối tượng bị áp dụng thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo Quyết định số 920/QĐ-BCT ngày 20/3/2020 (thời hạn áp dụng từ 22/3/2020 đến 22/3/2023).
Để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố căn cứ đối tượng hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời, mức thuế suất thuế chống bán phá giá tạm thời quy định tại Quyết định số 706/QĐ-BCT và Quyết định số 920/QĐ-BCT của Bộ Công Thương để hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng chính sách thuế.
Đối với thuế chống bán phá giá tạm thời quy định tại Quyết định số 706/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp căn cứ bảng mã thuế suất thuế chống bán phá giá đã đăng trên wesite: https://tongcuc.customs.gov.vn/ để khai báo mã chịu thuế và mức thuế suất tương ứng trên tờ khai hải quan.
Trước đó, ngày 5/5/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 843/QĐ-BCT về giữ nguyên việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ Đại Hàn Dân quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Quyết định này của Bộ Công Thương căn cứ vào: Luật quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14; Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại; Thông tư số 37/2019/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại; Quyết định số 3752/QĐ-BCT; Quyết định 1283/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và nước Đại hàn Dân quốc.
Trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc 01 năm kể từ ngày có quyết định này, các bên liên quan theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, có thể nộp hồ sơ yêu cầu rà soát.